Theo thống kê của Bộ Tư lệnh công binh, ước tính số bom mìn chưa nổ còn sót lại khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích đất ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu hecta, chiếm 18,82% diện tích tự nhiên của cả nước. Cũng theo thống kê của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh công binh) công bố gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 người chết do tai nạn bom mìn. Trong đó, tai nạn do đùa nghịch và không hiểu biết của trẻ em, gây nổ chiếm 38%. Số vụ do người dân phát hiện bom mìn, vật nổ đem cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ chiếm 30%. Số vụ do cuốc, đập, giẫm,… phải vật nổ gây ra chiếm 18%, số còn lại do nguyên nhân ngẫu nhiên chiếm 10%. Nạn nhân của tai nạn bom mìn chủ yếu là người trong độ tuổi lao động và trẻ em. Những nạn nhân này dù may mắn thoát chết thì họ cũng trở thành người tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sau chiến tranh thì hầu hết các địa bàn của tỉnh Vĩnh Long còn sót lại rất nhiềubom mìn, vật nổ. Những nơi từng xảy ra giao tranh ác liệt như Tam Bình, Trà Ôn thì số lượng nhiều hơn. Tuy đã xử lý, vô hiệu hóa nhưng vẫn còn không ít loại nằm sâu trong lòng đất chưa được phát hiện. Ông Nguyễn Minh Quang (xã Trà Côn- Trà Ôn) trong một lần cải tạo vườn cũng phát hiện một đầu đạn nằm sâu trong lòng đất. Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng bộ đội công binh đã tiến hành khảo sát hiện trường và tổ chức hủy nổ tại chỗ an toàn. Qua kiểm tra, đây là loại đầu đạn M79, có bán kính sát thương cao, được quân đội Mỹ sử dụng nhiều trong chiến tranh. Trong những năm qua, tỉnh đã kịp thời thu gom, xử lý thành công các loại bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ngày 4/7/2018, Ban Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tổ chức thu gom an toàn khoảng 2.200kg vũ khí còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có 320 quả bom, đầu đạn và ngòi nổ các loại. Đại úy Nguyễn Hoài Thanh- Trưởng Ban Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho biết: Việc tổ chức thu gom các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh được lực lượng bộ đội công binh thực hiện theo định kỳ hàng quý, sau đó sẽ báo cáo về Quân khu để có hướng xử lý an toàn. Những loại vũ khí này thường nằm sâu trong lòng đất, đã rỉ sét và có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu có sự tác động từ bên ngoài. Do đó, khi phát hiện chúng, người dân không nên di chuyển để tránh va đập gây nguy hiểm và nhanh chóng báo cho lượng lượng chức năng tiến hành xử lý. Trước hậu quả nghiêm trọng do các loại bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra đối với tính mạng người dân và an toàn xã hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 2010- 2025. Mục tiêu của chương trình là huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn cho nhân dân và giúp đỡ nạn nhân hòa nhập đời sống xã hội. Theo thông tin từ Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, trong thời gian tới, chương trình sẽ tập trung thực hiện xã hội hóa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và dự án nâng cao năng lực trong lĩnh vực khắc phục bom mìn cho các tổ chức và các địa phương. Song song, trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế nhằm đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom mìn và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom mìn. Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn cũng sẽ xây dựng đề xuất ưu tiên quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhằm triển khai theo thứ tự ưu tiên một cách có hệ thống và hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, triển khai chính sách xã hội đối với nạn nhân bom mìn một cách toàn diện và nghiên cứu, bổ sung phương thức hỗ trợ đảm bảo tính ổn định,
bền vững.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH